Bệnh cườm nước: cẩn thận biến chứng mù lòa

Thứ tư, 11 Tháng 4 2012 02:57

Ở Việt Nam, bệnh cườm nước (hay còn gọi bệnh Glaucoma) là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mù lòa khá cao.

 Bệnh cườm nước: bệnh của tuổi già

Bệnh có đặc điểm chung là tăng nhãn áp quá mức chịu đựng của mắt bình thường, gây tổn thương thần kinh thị giác. Bệnh chủ yếu xuất hiện nhiều ở phụ nữ, người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), người mắc tật viễn thị và tiền sử trong gia đình.

Nguyên nhân và cách phát hiện

Nguyên nhân gây ra bệnh cườm nước là sự lưu thông của thủy dịch trong mắt tăng quá mức, không thoát ra ngoài gây ra tình trạng căng tức và đau nhức mắt. Thủy dịch có vai trò tạo nhãn áp giúp trao đổi chất, giữ độ cong cho giác mạc đồng thời nuôi dưỡng giác mạc và thủy tinh thể.

Bệnh cườm nước còn gọi là lục thanh nhãn vì khi phát hiện bệnh ta có thể nhìn thấy màu xanh thay vì màu đen bên trong con ngươi. Cườm nước có thể làm tổn hại đến thần kinh thị giác, dẫn đến tình trạng nhãn áp tăng và giết chết tế bào thần kinh mắt, gây đau đớn cho mắt, nặng hơn là bị mù lòa.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, chuyên khoa mắt Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết: “Cách tốt nhất để phát hiện bệnh cườm nước là nên khám mắt 6 tháng/lần, yêu cầu bác sĩ soi đáy mắt và đo nhãn áp nhằm kiểm soát Glaucoma. Đo nhãn áp nên tiến hành vào lúc sáng sớm, chú ý cần đo nhiều lần trong ngày để có kết quả chuẩn xác nhằm điều trị sớm, kịp thời.

Một khi tiếp xúc ở nơi thiếu ánh sáng như rạp chiếu phim, mắt nhìn thấy một màn sương mờ đó là dấu hiệu của cườm nước đã biến chứng nặng. Điều này có thể khiến bệnh nhân đau nhức mắt đến nỗi suy sụp tinh thần, cách tốt nhất nên vô hiệu hóa chức năng mắt hoặc thay mắt giả để có chất lượng cuộc sống tốt hơn”.

Những lưu ý trong điều trị

“Điều trị cườm nước ngoại khoa được áp dụng khi phát hiện bệnh sớm. Bằng phương pháp cắt mống mắt bằng laser YAG tạo một đường dẫn nước ra ngoài. Hiện nay phương pháp sử dụng bằng laser được bệnh nhân và bác sĩ chọn điều trị vì mang lại hiệu quả tức thời, chi phí cũng tương đối rẻ (khoảng 300-500 ngàn đồng/lần bắn). Ngoài phẫu thuật bằng laser, các thiết bị điều trị OTC, HRT, GDxVCC hiện đại được trang bị tại Bệnh viện Mắt Thành phố cũng cho kết quả như mong đợi”.

BS Tuấn cũng lưu ý: Trường hợp điều trị nội khoa bằng thuốc thì vấn đề dinh dưỡng phải luôn đi kèm. Như dùng thuốc Diamox, bệnh nhân sẽ mất kali, có dấu hiệu tê tay chân, sợ nước, vì vậy rất cần được bổ sung kali bằng các thực phẩm như chuối, nho, nước dừa… Với những bệnh nhân có huyết áp cao, bệnh tim, hen suyễn thì không nên dùng thuốc nhỏ Timoptol.

Bên cạnh đó, cần chú ý theo dõi sức khỏe, dành thời gian cho việc tập luyện thể thao, chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý, tránh căng thẳng, ăn uống thất thường… Đối với bệnh cườm nước, khi ăn uống, người bệnh nên ăn nhiều rau có chất xơ và hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol.

Cườm nước đa số chỉ xuất hiện ở người già nhưng cũng có trường hợp bẩm sinh. Do đó, các bậc cha mẹ khi thấy tròng đen trong mắt trẻ to hơn bình thường, hay sợ ánh sáng thì nên nghĩ ngay đến bệnh cườm nước và đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ tránh được hậu quả nặng là biến chứng mù lòa sau này.

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

     
chia sẻ với bạn bè