Bệnh Glocom- có thể bạn chưa biết

Thứ ba, 13 Tháng 9 2011 13:57

I) Bạn đã biết về bệnh Glocom?

Nếu bạn chưa từng nghe đến tên bệnh Glocom, thì bạn hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều người trong chúng ta không biết đến một bệnh lý của mắt tên là Glocom. Tuy nhiên bạn sẽ không khỏi giật mình nếu biết Glocom là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 3- chỉ sau đục thể thủy tinh và các bệnh lý đáy mắt.

Một số người biết đến bệnh Glocom qua tên bệnh “ Thiên đầu thống”. Thiên đầu thống là tình trạng cơn Glcom cấp góc đóng, khi đó bệnh nhân cảm thấy đau đầu, đau mắt dữ dội kèm theo buồn nôn, thị lực giảm trầm trọng. Tuy nhiên Glocom còn nhiều dạng khác nữa và có thể hoàn toàn không gây đau đầu, nhức mắt mà vẫn làm suy giảm thị lực. Điều này dễ khiến cho bệnh nhân chủ quan không đi khám mắt để phát hiện bệnh Glocom.

Nhiều người, trong đó có cả những nhân viên y tế, hiểu bệnh Glocom gây bởi tình trạng tăng áp lực của thủy dịch trong mắt ( nhãn áp). Tuy nhiên, những năm gần đây, các chuyên gia đã nghiên cứu và chứng minh sự tồn tại của bệnh Glocom với nhãn áp bình thường. Do vậy việc kiểm tra nhãn áp không đảm bảo giúp bạn phát hiện được bệnh Glocom.

GLOCOM LÀ BỆNH LÝ TỔN THƯƠNG THẦN KINH THỊ GIÁC DO SỰ TIÊU HỦY CỦA TẾ BÀO HẠCH VÕNG MẠC. NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP NHẤT LÀ DO TÌNH TRẠNG TĂNG NHÃN ÁP.

II) Mù lòa gây bởi Glocom có điều trị được không?

Rất đáng tiếc, Glocom có thể gây mù lòa vĩnh viễn, không thể hồi phục. Với trình độ của y học hiện nay, chưa có biện pháp nào trả lại ánh sáng cho bệnh nhân mù lòa do Glocom.

 

các bệnh về mắt

III) Ai có thể bị Glocom?

Bất kì ai, dù ở lứa tuổi nào cũng có thể có bệnh Glocom mà không được phát hiện. Tuy nhiên có một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh Glocom cao hơn:

- Người trên 40 tuổi

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh Glocom.

- Tiền sử chấn thương mắt.

- Tiền sử các bệnh lý về mắt khác như đục thể thủy tinh.

- Tiền sử các bệnh lý mãn tính toàn thân như tăng huyết áp, đái tháo đường,v.v.

Rât nhiều người phát hiện mình mắc bệnh Glocom hoàn toàn tình cờ khi bệnh đã ở giai đoạn muộn! Do vậy Glocom là kẻ thủ thầm lặng của thị giác.

Cách duy nhất để biết mình có bị bệnh Glocom hay không là khám mắt định kì ít nhất 1 năm/1 lần.

IV)Bạn cần được khám như thế nào để phát hiện sớm bệnh Glocom?

Việc quan trọng nhất là bạn phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh Glocom. Khi đó bạn hoàn toàn có thể bảo tồn được thị lực của mình.

Nếu chỉ kiểm tra thị lực và đo nhãn áp thì không thể phát hiện được những triệu chứng của bệnh.

Để phát hiện sớm bệnh Glocom bạn cần được:

- Khám và tư vấn tỉ mỉ về tiền sử bản thân và gia đình.

- Kiểm tra thị lực, khúc xạ và đo nhãn áp.

- Soi đáy mắt bằng hệ thống kính soi đáy mắt và sinh hiển vi có độ phóng đại và độ nét cao.

- Kiểm tra thị trường.

- Chụp nhãn quang cắt lớp OCT- tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán của ngành nhãn khoa thế giới, giúp phát hiện sớm nhất các tổn thương của thần kinh thị trước khi có các tổn thương về thị trường và thị lực.

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

     
chia sẻ với bạn bè