Viêm tắc lệ đạo bẩm sinh

Thứ ba, 24 Tháng 4 2012 09:33

Viêm tắc lệ đạo bẩm sinh là cụm từ chỉ 2 bệnh là viêm túi lệ và tắc lệ đạo bẩm sinh. Để hiểu rõ hơn về bệnh này, bác sĩ Trần Thị Ngọc Thu, Trưởng khoa mắt, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết những thông tin liên quan.
Viêm tắc lệ đạo bẩm sinh

Viêm túi lệ:

Bệnh có triệu chứng phù tím vùng túi lệ ngay sau sinh hoặc dưới 1 tháng tuổi. Nguyên nhân của bệnh là do tắc nghẽn đường lệ mũi.

Để điều trị bệnh viêm túi lệ, bệnh nhi được day nắn túi lệ, kết hợp nhỏ kháng sinh. Thông lệ đạo, ấn túi lệ làm thoát mủ, sau đó bơm rửa lệ đạo. Sử dụng kháng sinh toàn thân từ 5 - 7 ngày.

Tắc lệ đạo bẩm sinh:

Triệu chứng, thường ở trẻ 1- 3 tuần sau sinh đến 3 tuổi. Bệnh nhân có biểu hiện chảy nước mắt thường xuyên, chảy nước mắt trong đôi khi ấn có chất nhầy trong. Đọng nước mắt ở khe mi. Giả viêm kết mạc thường đỏ da bờ mi, trẻ hay dụi mắt.

Điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ được thực hiện theo độ tuổi và các bước như sau: Đối với trẻ trước 3 tháng tuổi, sẽ được điều trị bằng cách day nắn túi lệ và lau mí với nước muối sinh lý; sử dụng kháng sinh tại chỗ nếu kết mạc đỏ. Với trẻ sau 3 tháng tuổi, sẽ được bơm rửa lệ đạo, kết hợp kháng sinh tại chỗ và thông lệ đạo. Tuy nhiên, việc thông lệ đạo chỉ được thực hiện sau khi bơm rửa day nắn vùng túi lệ và sử dụng kháng sinh không hiệu quả.

Những chỉ định thông lệ đạo:

- Chỉ định thông lệ đạo từ tháng thứ 3 - 4 trở đi.

- Bơm rửa lệ đạo sau lần thông này 2 - 3 lần, cách nhau 4 - 6 ngày.

- Có thể thông lệ đạo lần 2, 3, mỗi lần cách nhau 1 - 2 tháng cho hiệu quả 90%.

- Sau 1 tuổi nếu thông không có kết quả có thể đặt ống silicone.

Chỉ định đặt ống Silicone:

- Thất bại sau 2-3 lần thông lệ đạo ở bệnh nhi >8 tháng tuổi.

- Tắc lệ đạo ở trẻ >8 tháng tuổi.

Chỉ định khâu túi lệ mũi:

Trong trường hợp thất bại sau thông lệ đạo hoặc đặt ống silicone, trẻ sẽ được chỉ định tiếp khâu túi lệ mũi ở trẻ. Nhưng để thực hiện phương pháp này, cần phải có các điều kiện sau:

- Bệnh nhi trên 2 tuổi.

- Thất bại sau thông lệ đạo hoặc đặt ống silicone.

- Hẹp lỗ lệ hoặc hẹp lệ quản bẩm sinh.

- Hẹp lệ quản.

- Bệnh lý lệ đạo mắc phải như hội chứng Stevens-johnson, chấn thương.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Thu khuyến cáo, khi trẻ mắc các triệu chứng trên, tốt nhất gia đình nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế có chuyên khoa. Tại đây, các bác sĩ sẽ cho biết phương pháp thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất. Tuyệt đối không để lâu, tự ý chữa trị khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm.

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

     
chia sẻ với bạn bè