Cẩn trọng với bệnh nhược thị ở trẻ nhỏ

Thứ sáu, 20 Tháng 4 2012 02:50

Nghe một người bạn “mách nước”, chị Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa con đến một phòng khám tư để tập luyện mắt, với mong muốn giúp con không phải đeo kính cận. Thế nhưng, sau gần hai tháng, thị lực của bé vẫn không tốt hơn mà cháu còn thường xuyên kêu mỏi mắt, nhìn không rõ.

Cẩn trọng với bệnh nhược thị ở trẻ nhỏ

Đưa con đến khám tại bệnh viện Mắt Trung Ương (TƯ), chị Linh mới biết, con mình bị sụp mi bẩm sinh kèm theo cận thị - nguyên nhân gây bệnh nhược thị. Các bác sĩ cho hay, để điều trị nhược thị thành công thì cần phải phẫu thuật chữa sụp mi rồi mới tập luyện mắt. Còn chữa bệnh theo kiểu “nhảy cóc” như chị đã áp dụng sẽ không mang lại kết quả, thậm chí còn làm bệnh trở nên nặng hơn.

Điều trị muộn, khó hồi phục

Tương tự, bé Tuấn con chị Thanh (Nam Trực, Nam Định) vốn bị lác mắt trái bẩm sinh. Thỉnh thoảng thấy con phải nheo mắt, nghiêng đầu để nhìn, chị Thanh chủ quan bỏ qua vì nghĩ do tật lác mắt của con. Chỉ đến khi bé đi học lớp 1, chị mới giật mình khi thấy con kêu không nhìn được chữ ở trên bảng. Đi khám tại bệnh viện Mắt TƯ, bác sĩ cho biết, bé Tuấn bị nhược thị do lác.

Theo bệnh viện Mắt TƯ, số trẻ mắc bệnh nhược thị thời gian gần đây đang có xu hướng ngày càng tăng. Trung bình một ngày, Phòng phục hồi chức năng, khoa Mắt trẻ em, bệnh viện Mắt TƯ tiếp nhận khoảng 70 lượt trẻ trong độ tuổi từ 5 - 13 tới tập luyện mắt để nâng cao thị lực. Ước tính, tại Việt Nam tỷ lệ nhược thị ở trẻ em có lác cơ năng là 50 - 60%, ở trẻ có tật khúc xạ là 30%. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, trẻ rất khó hồi phục thị lực.

Th.S Hoàng Cương, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học đào tạo, bện viện Mắt TƯ cho biết, nhược thị là tình trạng giảm thị lực ở 1 hoặc cả 2 mắt, đã được chỉnh kính tối ưu nhưng thị lực vẫn chỉ đạt dưới 8/10 hoặc có sự khác biệt trên hai dòng thị lực giữa hai mắt và không phát hiện tổn thương thực thể nào. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhược thị của trẻ như: mắt lác, bị tật khúc xạ, đục thủy tinh thể, sụp mi bẩm sinh, sẹo giác mạc…

Mỗi bệnh nhân có bài tập khác nhau

Ths Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Phòng điều trị nhược thị, bệnh viện Mắt TƯ cho biết, hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa nhược thị như bịt mắt, phẫu thuật, gia phạt quang học, phục thị, dùng thuốc…Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm khác nhau và tùy từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp. Hiện bệnh viện Mắt TƯ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã nghiên cứu thành công và sắp đưa vào ứng dụng rộng rãi phần mềm hỗ trợ điều trị nhược thị.

Hiện có một số cơ sở tư nhân cũng đang áp dụng một bài tập phần mềm vi tính chữa nhược thị cho tất cả bệnh nhân. Tuy nhiên, theo bác sĩ Vân, cách chữa trị này không đúng, vì chỉ định điều trị phải  tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nhược thị nặng, nhẹ khác nhau. “Khi trẻ em chỉ bị cận thị mà tập luyện nhược thị sẽ không thể khỏi cận thị. Tuy nhiên, có một số trường hợp cận thị giả do mỏi mắt điều tiết khi tập luyện tập thư giãn mắt sẽ hết”, bác sĩ Vân cho biết.

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa mắt, nếu trẻ được điều trị nhược thị trước 6 tuổi, thời gian điều trị sẽ ngắn hơn và kết quả sẽ rất tốt. Trường hợp điều trị muộn hơn, thời gian tập luyện tập kéo dài hàng tháng, thậm chí nhiều năm và kết quả rât kém, nhất là các cháu trên 12 tuổi. Trừ những trường hợp có biểu hiện lác mắt hoặc bị bệnh về mắt, việc phát hiện nhược nhị ở trẻ em rất khó. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện như nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn, cần cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt có uy tín.

 

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

   
chia sẻ với bạn bè